Năm 2023, các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng thủy văn (KTTV) như lốc, sét, bão, lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại… xảy ra ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và cũng ít hơn năm 2022; riêng về nắng nóng thì số ngày cũng như số đợt nhiều hơn TBNN cũng như nhiều hơn năm 2022 và cường độ khá gay gắt, đặc biệt là đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra từ ngày 5 - 7/5/2023, vượt giá trị lịch sử.
Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)/Bão:
Trong năm 2023, có 05 cơn bão và 03 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông ít hơn TBNN cũng như ít hơn năm 2022. Bão/ATNĐ xuất hiện và hoạt động sớm (ngày 05/5) hơn so với TBNN nhưng kết thúc muộn (21/12). Năm nay không có bão, ATNĐ đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh.
Trong số 05 cơn bão và 03 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông thì chỉ có cơn bão số 01 có tên quốc tế (TALIM), sau khi vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) suy yếu thành ATNĐ đi sâu vào các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn gây ra 01 đợt mưa lớn ở Bắc Bộ và 01 ATNĐ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế vào sáng 26/9, sau đó suy yếu và tan dần trên khu vực Nam Lào. Còn 04 cơn bão và 02 ATNĐ đều đi vào đất liền các tỉnh phía Nam Trung Quốc hoặc tan trên Biển Đông, không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Không khí lạnh (KKL)
Năm 2023, khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng 26 đợt KKL xấp xỉ TBNN (TBNN 27 - 28 đợt). Nhìn chung, các đợt KKL về có cường độ không mạnh, do vậy nền nhiệt độ chỉ ở ngưỡng rét; riêng tháng 1 và tháng 12, xảy ra một số ngày rét đậm, rét hại, cụ thể:
Tháng 1: có 5 đợt không khí lạnh (KKL), trong đó có 2 đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn về ngày 16 và ngày 27/1, nhiệt độ giảm sâu gây rét đậm, rét hại trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 17 - 19/1 và từ ngày 28 - 30/1; ngày 31/1 rét đậm chỉ xảy ra ở vùng núi.
Tháng 12: có 4 đợt không khí lạnh (KKL) vào các ngày 07, 17 và được tăng cường thêm vào ngày 19 và 21, trong đó đợt về ngày 17 có cường độ mạnh, sau đó liên tiếp được tăng cường bổ sung thêm nên gây ra một đợt rét kéo dài từ ngày 17 đến ngày 28, trong đó từ ngày 21 - 25 nhiều nơi trong tỉnh rét đậm, vùng núi ngày 23 rét hại. Đây là đợt rét đến sớm hơn TBNN và kéo dài nhất trong tháng 12.
Nắng nóng:
Năm 2023 nắng nóng xuất hiện sớm (21/3) và kết thúc cũng khá sớm (03/9). Số ngày nắng nóng năm 2023 ở các khu vực trong tỉnh phổ biến 70 - 95 ngày (riêng thị xã Kỳ Anh thấp nhất chỉ có 51 ngày), nhiều hơn năm 2022 từ 27 - 43 ngày. Nhìn chung, các đợt nắng nóng năm 2023 xảy ra khá gay gắt, đặc biệt là đợt nắng nóng diễn ra từ ngày 05 - 07/5 với nhiệt độ cao nhất các khu vực 40,0 - 42,3°C. Cụ thể tại thị xã Kỳ Anh 40,0°C, tại huyện Kỳ Anh 40,7°C vượt giá trị lịch sử năm 2015 là 0,2°C; tại tp Hà Tĩnh 41,5°C vượt giá trị lịch sử năm 2015 là 0,9°C; tại Hương Sơn 42,3°C vượt giá trị lịch sử năm 2015 là 0,3°C. Đây là đợt nắng nóng kỷ lục và có nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu.
Mưa lớn diện rộng:
Do ảnh hưởng kết hợp của các hình thế gây mưa lớn nên từ tháng 8 đến tháng 11 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những đợt mưa lớn như sau:
Đợt 1: Từ ngày 01 - 04/8, ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục qua Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên toàn tỉnh có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa các khu vực phổ biến 30 - 50mm, riêng Hương Khê 101mm, Chu Lễ 67mm.
Đợt 2: Từ đêm 24/9 đến sáng ngày 28/9, ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao lạnh lục địa tăng cường, sau ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc ATNĐ nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 346 - 492mm, riêng Hương Trạch có lượng mưa cao nhất đạt 679,2mm và nơi có lượng mưa thấp nhất là Thạch Đồng 226mm, Tp Hà Tĩnh 292mm.
Đợt 3: Từ ngày 07 - 14/10, ảnh hưởng rãnh áp thấp bị nén bởi không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao nên vùng núi có mưa rải rác, đồng bằng ven biển có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, riêng đêm 07 ngày 08/10 toàn tỉnh có mưa rất to. Lượng mưa khu vực vùng núi 100 - 372mm, vùng đồng bằng ven biển 531 - 791mm.
Đợt 4: Từ ngày 23 - 25/10, ảnh hưởng không khí lạnh suy yếu kết hợp đới gió Đông trên cao nên đồng bằng ven biển có mưa vừa đến mưa to, vùng núi có mưa, mưa rào; riêng ngày 25/10 toàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa vùng đồng bằng ven biển 125 - 327mm, vùng núi 30 - 70mm.
Đợt 5: Từ ngày 29 - 31/10, ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên cao và đới gió Đông nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa các khu vực phổ biến từ 220 - 360mm; riêng Hương Khê 586mm; Chu Lễ 555mm; Hòa Duyệt 487mm.
Đợt 6: Từ ngày 12 - 16/11, ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao nên có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, riêng ngày 13/11 có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 150 - 275mm.
Đợt 7: Từ ngày 01 - 07/12, ảnh hưởng của KKL kết hợp với gió Đông trên cao nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to trong ngày 01 và 02/12, những ngày sau mưa rải rác, nhiều nơi mưa vừa. Lượng mưa phổ biến từ 126 - 184mm, một số khu vực ở ven biển có lượng mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng 352mm, tp Hà Tĩnh 287mm, Kỳ Anh 271mm và Thạch Đồng 247mm.
Đợt 8: Từ ngày 17 - 22/12, do ảnh hưởng các đợt KKL liên tiếp tăng cường nên toàn tỉnh có mưa rải rác, mưa vừa, mưa to tập trung ở vùng đồng bằng và ven biển. Lượng mưa ở vùng núi và phía Bắc tỉnh từ 9 - 25mm, khu vực đồng bằng và phía Nam tỉnh từ 100 - 209mm.
Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của KKL kết hợp với đới gió Đông trên cao nên trong tháng 11 và tháng 12 còn xảy ra những đợt mưa lớn cục bộ chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bằng và ven biển phía Nam tỉnh.
Mặc dù năm nay, bão, ATNĐ không ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh, tuy nhiên do ảnh hưởng các hình thế kết hợp nên đã xảy ra những đợt mưa lớn gây lũ lớn, thiệt hại không nhỏ ở các địa phương chịu ảnh hưởng, đặc biệt là đợt mưa lớn từ đêm 28 - 31/10.
Lốc, sét:
Năm nay, các hiện tượng lốc, sét xảy ra ít, thiệt hại không đáng kể.
TÌNH HÌNH THỦY VĂN
Mùa kiệt năm 2023 mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố xuống thấp ở mức xấp xỉ so với mực nước thấp nhất chuỗi quan trắc từ trước đến nay. Cụ thể: Trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm đã quan trắc được mực nước thấp nhất Hmin = 380cm (ngày 09/7/2023), thấp hơn 6cm so với giá trị mực nước thấp nhất lịch sử (Hmin LS = 386cm ngày 20/7/2020).
Mùa lũ năm 2023 trên các sông khu vực Hà Tĩnh thời gian xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm nhưng thời gian kết thúc thì khá muộn, khi ngày 02/12 vẫn xuất hiện một đợt lũ nhỏ với đỉnh lũ ở mức dưới BĐI. Năm nay, đỉnh lũ lớn nhất năm trên sông Ngàn Phố và hạ lưu sông Ngàn Sâu ở mức BĐII – BĐIII, riêng thượng lưu sông Ngàn Sâu trên BĐIII, sông La ở mức dưới BĐI.
Số đợt lũ trong năm, trên sông Ngàn Sâu xuất hiện 6 đợt lũ (trong đó có 1 đợt lũ lớn, 1 đợt lũ vừa và 4 đợt lũ nhỏ), trên sông Ngàn Phố xuất hiện 4 đợt lũ (trong đó có 1 đợt lũ lớn và 3 đợt lũ nhỏ). Trên sông La xuất hiện 02 đợt lũ nhỏ.
Đặc trưng đợt lũ lớn nhất năm trên sông Ngàn Sâu (từ ngày 28/10 - 01/11/2023) như sau:
Đỉnh lũ trên Ngàn Sâu tại Chu Lễ:14,39m (01h/31/10), trên BĐ3: 0,39m với biên độ lũ lên 10,39m; tại Hòa Duyệt 9,84m (17h/31/10), dưới BĐ3: 0,66m với biên độ lũ lên: 7,35m.
Đặc trưng đợt lũ lớn nhất năm trên sông Ngàn Phố và sông La (từ ngày 25/9 - 30/9/2023) như sau:
- Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm: 11,78m (02h/27/9), trên BĐII: 0,28m, biên độ lũ lên: 7,85m.
- Đỉnh lũ trên sông La tại trạm Linh Cảm: 3,46m (03h/30/9), dưới BĐI: 1,04m.
Dòng chảy trung bình năm 2023 thấp hơn so với TBNN từ 22 - 56% nhưng xấp xỉ so với năm 2022, riêng Sơn Diệm thấp hơn 35% so với năm 2022.