Thời tiết, thủy văn trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh khá ôn hòa; trên Biển Đông bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động ít và ảnh hưởng đến đất liền nước ta cũng ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN); nắng nóng kết thúc sớm và cường độ cũng không gay gắt, kéo dài; không khí lạnh hoạt động sớm với tần suất nhiều hơn TBNN, tuy nhiên rét đậm, rét hại xảy ra ít và chủ yếu vào thời kỳ tháng 2/2022; các hiện tượng thiên tai như lốc, sét, bão, lũ cũng xảy ra ít hơn so với những năm trước đây.
TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG
Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)/Bão:
Trong năm 2022, có bảy cơn bão và một ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 3 cơn bão đi vào đất liền nước ta cụ thể: bão số 2 (MULAN) đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng sáng 11/8; bão số 4 (NORU) đi vào đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi rạng sáng ngày 28/9; bão số 5 (SONCA) đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam - Quảng Ngãi sáng sớm ngày 15/10.
Như vậy, năm 2022 không có bão, ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hà Tĩnh.
Không khí lạnh (KKL):
Năm 2022, khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng 31 đợt KKL. Nhìn chung, các đợt KKL về có cường độ không mạnh, do vậy nền nhiệt độ chỉ ở ngưỡng rét; riêng tháng 2 và tháng 12 xảy ra một số ngày rét đậm, rét hại, cụ thể:
Tháng 2: có 5 đợt, các đợt KKL tràn về có cường độ trung bình đến mạnh, đặc biệt là đợt về ngày 19/2 gây rét đậm, rét hại từ ngày 20 - 24/2, trong đó ngày 21 và 22 toàn tỉnh rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dao động ở mức 10,5 - 12,8°C, nhiệt độ thấp nhất 9,2 - 10,6°C.
Tháng 12: có 07 đợt, trong đó đáng chú ý có 2 đợt cường độ mạnh tràn về ngày 14 và ngày 17/12, nhiệt độ giảm sâu về đêm, ban ngày nắng hanh, độ ẩm giảm thấp; ngày 18/12 tại Hương Khê trời rét đậm, ngày 19 và 20/12 khu vực Hương Sơn, Hương Khê trời rét đậm, các khu vực khác nhiệt độ chạm ngưỡng rét đậm.
Nắng nóng:
Năm 2022, nắng nóng xuất hiện sớm (26/3) và kết thúc sớm hơn nhiều so với TBNN (04/8); số ngày, số đợt (10 đợt) nắng nóng cũng ít hơn TBNN.
Nhìn chung, các đợt nắng nóng xảy ra trong năm 2022 không gay gắt và không kéo dài, riêng những ngày cuối tháng 7 hầu như chỉ xuất hiện nắng nóng cục bộ ở vùng núi phía Tây.
Sang tháng 8, nắng nóng cục bộ còn xuất hiện nhưng cường độ nhẹ và số ngày nắng nóng không liên tục và chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng núi phía Tây và Tp Hà Tĩnh.
Mưa lớn diện rộng:
Do ảnh hưởng kết hợp của một số hình thế gây mưa lớn nên đã gây ra các đợt mưa lớn:
Đợt 1: do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh kết hợp hội tụ gió trên cao nên ngày 01/5 toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông; ngày 02/5 mưa giảm.
Đợt 2: do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nén rãnh áp thấp, sau ảnh hưởng không khí lạnh nên từ chiều tối ngày 15 đến ngày 16/5, toàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to và dông, có nơi mưa rất to.
Tổng lượng đợt 1 và đợt 2, phổ biến 106 - 278mm; một số khu vực có lượng mưa cao hơn như Kỳ Anh 321mm, Hương Sơn 304mm, Sơn Kim 300mm, Cảm Nhượng và Hoà Duyệt 297mm.
Đợt 3: Từ ngày 11 đến ngày 15/7, ảnh hưởng rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 105 - 176mm.
Đợt 4: Từ ngày 07 đến ngày 09/9, ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ nối vùng áp thấp, sau thành bão số 2 và di chuyển dịch lên phía Bắc nên toàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 24 - 72mm, riêng Cẩm Nhượng, Kỳ Anh và Hoành Sơn 124 - 191mm.
Đợt 5: Từ ngày 07 đến ngày 10/9, ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục qua Bắc Trung Bộ, sau dịch dần xuống phía Nam và hoạt động mạnh kết hợp rìa Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường, nhiễu động đới gió đông trên cao nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 217 - 371mm.
Đợt 6: Từ ngày 21 đến ngày 26/9, ảnh hưởng hội tụ gió trên cao kết hợp áp cao lục địa tăng cường nên toàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất
to, lượng mưa phổ biến 107 - 209mm;
Đợt 7: Từ đêm 27 đến sáng ngày 30/9, ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ, kết hợp hoàn lưu bão số 4, áp cao lục địa tăng cường yếu nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to. Vùng núi phía Tây và Tây Bắc phổ biến 309 - 476mm, một số nơi ở đồng bằng ven biển như Hoành Sơn, Kỳ Anh, tp Hà Tĩnh, Thạch Đồng và Cẩm Nhượng 139 - 214mm.
Ngoài ra, còn xảy ra các trận mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn và không liên tục.
Mặc dù năm nay, bão, ATNĐ không ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh, tuy nhiên những đợt mưa lớn gây thiệt hại không hề nhỏ, đặc biệt là đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 27/9 - 01/10/2022.
Lốc, sét:
Vào các thời kỳ giao mùa hằng năm (4-5) và (8-9), trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các trận mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh. Tuy nhiên, năm nay các hiện tượng cực đoan này ít xảy ra hơn và thiệt hại không nhiều như những năm trước.
TÌNH HÌNH THỦY VĂN
Năm 2022, nhìn chung mùa lũ trên các sông khu vực Hà Tĩnh thời gian xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm nhưng thời gian kết thúc thì khá muộn, khi 23/11 vẫn xuất hiện một đợt lũ nhỏ với đỉnh lũ ở mức dưới BĐI. Năm nay, đỉnh lũ lớn nhất năm trên sông Ngàn Sâu ở mức BĐI đến xấp xỉ BĐII, sông Ngàn Phố ở mức BĐII-BĐIII, sông La ở mức trên BĐI. Số các đợt lũ xảy trên các sông ở mức thấp so với TBNN cũng như thấp hơn so với năm 2021 cùng thời kỳ. Nhìn chung, hầu hết các đợt lũ xảy ra trong năm 2022 đều là lũ nhỏ dưới BĐI, riêng đợt lũ vào ngày 27/9 – 01/10 là nghiêm trọng nhất gây sạt lở ở vùng thượng lưu và ngập lụt ở vùng hạ lưu ảnh hưởng đến dân sinh – kinh tế các khu vực này.
Đặc trưng đợt lũ lớn nhất năm (từ ngày 27/9 - 01/10/2022) như sau:
Trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh đã xuất hiện một trận lũ với biên độ lũ lên từ: 6,13 - 9,63m.
- Đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ: 12,63m, xuất hiện lúc 12 giờ ngày 29/9, trên BĐII: 0,13m, biên độ lũ lên: 9,63m; đỉnh lũ tại trạm Hòa Duyệt: 8,20m, xuất hiện lúc 02 giờ ngày 30/9, dưới BĐII: 0,8m, biên độ lũ lên: 6,13m.
- Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm: 12,66m, xuất hiện lúc 12 giờ ngày 29/9, dưới BĐIII: 0,34m, biên độ lũ lên: 7,61m.
- Đỉnh lũ trên sông La đo được tại trạm Linh Cảm 4,92m trên BĐ1 0,42m xuất hiện lúc 20h ngày 30/9 với biên độ lũ lên: 3,49m.