Trong những năm gần đây thuật ngữ “Biến đổi khí hậu” xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các tài liệu, các văn bản khác nhau. Việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông để càng nhiều người hiểu được những nguy hại của biến đổi khí hậu có thể gây ra cho đời sống của chúng ta để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) được dùng để chỉ những thay đổi của khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là một vài thấp kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn cầu. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu:
- Sự nóng lên của khí quyển và Trái đất nói chung
- Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và của các sinh vật trên trái đất;
- Mực nước biển dâng cao do băng tan dẫn tới gây ngập úng ở các vùng đất thấp và các đảo nhỏ trên biển;
- Sự di chuyển của các đới khí hậu đã tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống còn của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và các hoạt động có liên quan đến sự sống của con người;
- Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác;
- Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và của các địa quyển.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Những hệ quả cơ bản nhất của BĐKH như sự nóng lên toàn cầu, sự gia tăng các hiện tượng thiên tai cực đoan và sự suy giảm nguồn nước đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Đối với khu vực Hà Tĩnh, do vị trí địa lý khu vực Hà Tĩnh nằm ở khu vực giao tranh của các hệ thống gió mùa, thuộc khu vực chuyển tiếp của 2 loại hình khí hậu miền bắc và miền nam nên khí hậu rất khắc nghiệt. Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích hẹp ngang và chạy dài theo đường bờ biển nên mỗi một sự thay đổi trong hệ đại dương và khí quyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời tiết và khí hậu của Hà Tĩnh.
Trong những năm gần đây, trên khu vực tỉnh Hà Tĩnh biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ nét và dễ dàng nhận biết, trước hết là nền nhiệt độ tăng lên, sự gia tăng bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Xu thế tăng của nhiệt độ không khí trung bình:
Khoảng 50 năm qua (1971 - 2020), nhiệt độ trung bình tại Hà Tĩnh tăng theo thời gian và tăng khá đồng đều trên các khu vực.
Hình 1. Biến trình nhiệt độ trung bình 50 năm (từ năm 1971-2020)
Qua đường biến trình nhiệt độ trung bình năm giai đoạn từ năm 1971 - 2020 cho thấy nhiệt độ trung bình năm tăng qua các thập kỷ là hết sức rõ ràng và xu thế tăng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Qua tính toán trên nền số liệu, mức tăng bình quân của nhiệt độ trung bình cửa các khu vực là 0,2 - 0,4 độ C/thập kỷ.
Khi nhiệt độ không khí tăng lên tình trạng hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng, các quá trình sa mạc hóa đất trồng trọt diễn ra nhanh hơn, bên cạnh đó cũng làm suy giảm đáng kể lớp phủ thực vật do hiện tượng cháy rừng cũng như do suy giảm nguồn nước. Năm 2019 nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc nói chung và khu vực Hà Tĩnh nói riêng có mức tăng cao nhất, cũng trong năm này rừng Hà Tĩnh đã bị mất hàng trăm hecta do hiện tượng cháy rừng, những hiểm họa trong năm này có thể phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có thể phục hồi.
Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai trên khu vực tỉnh Hà Tĩnh gia tăng bất thường và diễn biến phức tạp, liên tục lập những kỷ lục mới. Tháng 10/2010 lũ kép lịch sử đã làm ngập chìm 183/262 xã thuộc 12 huyện, thị thành phố, làm chết 50 người, bị thương 175 người, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, hư hỏng; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, hệ thống điện, viễn thông…bị hư hại nghiêm trọng, tổng thiệt hại lên đến gần 6.400 tỷ đồng. Tiếp đến là năm 2013, 2016, 2020 liên tiếp những trận lũ lớn xảy ra gây thiệt hại về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và hạ tầng kinh tế.
Phân bố lượng mưa trên khu vực Hà Tĩnh cũng có những biến đổi đáng kể. Mặc dù tổng lượng mưa không có biến động nhiều trong các năm nhưng mưa thường tập trung vào thời đoạn ngắn và chủ yếu tập trung trong mùa mưa lũ. Tháng 10/2020 xuất hiện đợt mưa, lũ giữa gây ngập lụt nghiêm trọng nhất cho thành phố Hà Tĩnh và các huyện hạ du hồ Kẻ Gỗ, trong đợt này mưa tại Tp Hà Tĩnh đã lập liên tiếp 4 kỷ lục chưa bao giờ xảy ra trong vòng 60 năm qua: Lượng mưa trong 24h lớn nhất (872mm), lượng mưa trong một đợt liên tục có lượng lớn nhất (1100mm trong 53h25 phút), lượng mưa trong một đợt mưa có lượng lớn nhất (1384mm) và tháng 10/2020 là tháng có tổng lượng mưa tháng lớn nhất từ trước đến nay (Tháng 10/2020 lượng mưa Tp Hà Tĩnh là 2387mm, cao hơn hơn lượng mưa tháng cao nhất lịch sử 10/1983 là 339mm - Giá trị lịch sử tháng 10/1983 mưa 2048mm).
Ngoài bão, lũ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng tài sản của người dân thì các loại hình thiên tai như nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán ... cũng gia tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội mà có thể kể đến là các đợt nắng nóng kéo dài ngày, số đợt nắng nóng đạt mức gay gắt và đặc biệt gay gắt cũng nhiều và liên tục. Điển hình đợt nắng nóng gay gắt kéo dài 40 ngày năm 2015(từ ngày 13/5 đến ngày 21/6), hầu khắp các khu vực trong tỉnh có nhiệt độ tối cao tuyệt đối phổ biến 40,5 - 42,0 độ C vượt giá trị lịch sử, riêng khu vực Hương Khê đạt 42,1 độ C. Năm 2019, nắng nóng diễn ra bất thường cường độ nắng nóng tại Hương Khê vượt giá trị lịch sử với nhiệt độ cao nhất là 43,4 độ C. Năm 2020, có số ngày nắng nóng kéo dài kỷ lục và hầu như không có mưa, tại Hương Khê nắng nóng kéo dài liên tục 62 ngày (từ 31/5 - 31/7); tại Tp Hà Tĩnh 51 ngày (từ 31/5 - 20/7); các khu vực khác từ 43 - 48 ngày.
Rét đậm, rét hại mặc dù số ngày xảy ra rét đậm rét hại ít hơn trước nhưng những dị thường và giá trị lịch sử lại tái xuất hiện như đợt KKL về ngày 23/1/2016 gây ra một đợt rét hại (4 ngày) diện rộng; nhiệt độ thấp nhất ngày các khu vực trên địa bàn tỉnh phổ biến 5,0 - 6,0 độ C. Tại Tp Hà Tĩnh và Kỳ Anh đây là đợt rét kỷ lục khi có nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 53 năm qua.
Phải nói rằng những bất thường của thời tiết liên tục diễn ra không theo quy luật và liên tục lập kỷ lục mới, gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng bất lợi cho con người, hệ sinh thái trong giai đoạn trước mắt mà còn có thế còn ảnh hưởng lâu dài và ngày càng nghiêm trọng.
Để ứng phó với BĐKH bên cạnh những giải pháp như: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về BĐKH cũng như các giải pháp chống BĐKH; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp một số tuyến đê biển, đê sông, xây dựng một số công trình nhà trú ẩn đa năng kiên cố phục vụ nhân dân trong mùa bão, lũ; tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc... còn cần tăng cường phổ biến, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân, để từ đó tăng khả năng chống chịu, tăng cường khả năng thích ứng và thực thi các giải pháp chống biến đổi khí hậu.